05/08/2022 07:47

Công dụng tốt cho tiêu hóa của rau mồng tơi

Rau mồng tơi còn gọi là mồng tơi đỏ, mồng tơi tía, lạc quỳ...; có tên khoa học là Basella rubra; hình dáng giống rau chân vịt ở nước ngoài. ThS.BS Nguyễn Văn Hậu (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, rau mồng tơi cung cấp vitamin A3, B3, C; saponin, chất nhầy, nhiều axit amin và khoáng chất khác cho cơ thể. Đây là loại rau quen thuộc với các gia đình Việt, thường được dùng để nấu canh ăn cho mát, ít dùng làm thuốc.

Trong các tài liệu cổ, cụ thể là Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân ghi chép, rau mồng tơi có vị chua, hàn, hoạt, không độc, chủ trị hoạt trung, tán nhiệt, giải nhiệt, lợi đại tiểu trường. Rau mồng tơi đi vào 5 kinh tâm, tỳ, can, đại trường, tá tràng; chủ trị hoạt trung, giúp lợi tiểu, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt.

Bác sĩ Hậu cho biết thêm, người Indonesia còn dùng rau mồng tơi làm thuốc chữa táo bón cho trẻ em và phụ nữ đẻ khó. Chất nhầy pectin trong rau mồng tơi có khả năng làm mềm phân, trong khi chất xơ giúp kích thích nhu động ruột. Loại rau này còn có thể thanh trừ thấp nhiệt ứ trong trường vị, giúp cho hoạt động bài tiết diễn ra thuận lợi hơn. Để phát huy khả năng nhuận tràng và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động, người bệnh có thể dùng rau mồng tơi theo các cách dưới đây.

Giảm táo bón

Mồng tơi giảm táo bón nhờ hàm lượng xơ và magie khá cao. 100g nước mồng tơi xay có 13,5g magnesium và 16g chất xơ. Chất xơ tan làm thức ăn cho lợi khuẩn của ruột tạo ra axit béo chuỗi ngắn làm tăng nhu động ruột, chất xơ không tan tạo khối phân kích thích nhu động co bóp tống phân khối của đại tràng; magie làm tăng nhu động đại tràng.

Cách 1: Giã nát mồng tơi với nước đun sôi để nguội. Lọc lấy nước, uống mỗi ngày một lần. Uống liên tục trong nhiều tuần.

Cách 2: Nấu 500g rau mồng tơi thành canh, nêm nếm gia vị cho vừa miệng.

Công dụng tốt cho tiêu hóa của rau mồng tơi

Rau mồng tơi thường được dùng để nấu canh giải nhiệt. Ảnh: ShutterstockCải thiện đi ngoài ra máu kéo dài

Nguyên liệu: 30g mồng tơi, một con gà mái già cỡ vừa. Rửa sạch rau mồng tơi và gà, sau đó cắt thành miếng vừa phải.

Chế biến: Gà hầm chín tới, sau đó cho rau mồng tơi vào đun lửa nhỏ thêm 20 phút.

Liều lượng: Ăn 2-3 lần trong ngày. Mỗi tuần dùng 2 lần để đi ngoài thông suốt, không còn chảy máu.

Hỗ trợ cải thiện bệnh trĩ nhẹ

Cách 1: Giã nát một nắm mồng tơi với vài hạt muối ăn, đắp trực tiếp vào hậu môn 30 phút. Mỗi hai ngày, đắp một lần.

Cách 2: Nấu canh rau mồng tơi với cá diếc, cua đồng hoặc tôm. Mỗi tuần ăn ba lần.

Bên cạnh tác dụng nhuận tràng, rau mồng tơi còn hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe khác như kích thích lưu thông khí huyết, chống lão hóa; cải thiện sinh lý nam; trị mụn; giảm cân; giảm cholesterol và mỡ trong máu; trị chứng đầy bụng, ăn không tiêu; kích thích tuyến sữa...

Công dụng tốt cho tiêu hóa của rau mồng tơi

Canh rau mồng tơi thường có trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ Hậu khuyến cáo, trong quá trình chế biến, không nên nấu rau mồng tơi cùng với thịt bò. Sự kết hợp này sẽ giảm tác dụng nhuận tràng, gây đầy bụng, khó tiêu, làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón của người bệnh. Dù rau mồng tơi có nhiều chất dinh dưỡng nhưng cũng có hàm lượng axit oxalic cao. Khi chất này liên kết với sắt và canxi gây khó khăn cho cơ thể trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khác, từ đó dẫn đến thiếu chất và suy yếu. Do đó, mọi người không nên ăn quá nhiều rau mồng tơi.

Trong trường hợp đã ăn rau mồng tơi trong nhiều ngày nhưng táo bón vẫn không khỏi, người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn. Lúc này, đại tiện khó khăn có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý như ung thư đại tràng, bệnh tuyến giáp...

Phi Hồng

Tags:

mồng tơi

tiêu hóa

nhuận tràng

táo bón

thực phẩm

dinh dưỡng

Tin cùng chuyên mục