Hành vi nào khiến nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng cao?
BS Nguyễn Công Định, phụ trách cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay trên thế giới, nhiễm HPV gây ra gần 570.000 ca ung thư cổ tử cung và hơn 311.000 ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là loại ung thư nữ giới phổ biến đứng thứ 3 trong độ tuổi 15-44.
HPV chủng 16, 18 gây ra 70% ca ung thư cổ tử cung
Phần lớn ung thư cổ tử cung do virus HP (HPV) gây ra. Bộ Y tế cho biết khi nhiễm HPV, nguy cơ ung thư tăng 15 lần, nhưng nguy cơ này tăng lên đến 38,5 lần khi nhiễm ở độ tuổi dưới 25.
Đây là loại virus lây truyền qua đường tình dục hoặc mẹ con, số ít lây qua đồ vật. "Các chủng HPV nguy cơ cao được xác định dựa vào nguy cơ gây ung thư. Trong đó, chủng 16 và 18 chịu trách nhiệm cho 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung", bác sĩ Định cho biết.
Với những trường hợp nhiễm chủng HPV có nguy cơ cao, virus này có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể gây biến đổi gene tế bào cổ tử cung, dẫn đến các tổn thương sơ khởi, tăng dần theo thời gian và dẫn đến ung thư.
Ngoài ra, ung thư cổ tử cung còn do nhiều yếu tố nguy cơ khác như hành vi tình dục, trạng thái suy giảm miễn dịch. Việc sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển toàn diện cũng làm tăng nguy cơ tổn thương cổ tử cung.
Hơn nữa, phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (từ 3 lần trở lên), một số trường hợp béo phì, sử dụng thuốc lá, dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài cũng khiến nguy cơ mắc bệnh gia tăng.
Vì vậy, theo các bác sĩ, một số hành vi làm khả năng thay đổi từ tế bào lành tính sang tế bào ung thư gồm:
- Sinh hoạt tình dục sớm
- Nhiều bạn tình: Số lượng bạn tình càng nhiều, nhất là mỗi bạn tình đó lại có nhiều "đối tác" khác thì khả năng mắc ung thư do HPV ở nữ giới càng cao.
- Quan hệ tình dục không an toàn, mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như chlamydia, giang mai, HIV/AIDS… làm tăng nguy cơ lây nhiễm HPV.
HPV không chỉ liên quan mật thiết với ung thư cổ tử cung mà còn liên quan đến các loại ung thư như âm đạo, âm hộ, hầu họng (ở nữ) hay dương vật, hầu họng (ở nam).
Virus lây lan qua tiếp xúc da kề da. Bạn có thể bị nhiễm virus HPV khi quan hệ tình dục trực tiếp qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người đã nhiễm virus. Virus này có thể lây nhiễm ngay cả khi người truyền bệnh không có bất kỳ dấu hiệu nào.
Những người đã quan hệ tình dục đều có thể bị nhiễm virus HPV, ngay cả khi chỉ "yêu" một người. Để hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh do HPV gây ra, các bác sĩ khuyến cáo cần tuân thủ việc quan hệ tình dục an toàn như:
- Dùng bao cao su: Dù không phải là biện pháp bảo vệ 100% bởi virus vẫn có thể lây thông qua khu vực không được che phủ bởi bao cao su. Tuy nhiên, đây là cách hạn chế tỷ lệ và nguy cơ lây nhiễm.
- Chỉ quan hệ tình dục với một người: Vẫn có trường hợp bạn tình bị lây nhiễm từ người khác và truyền sang cho bạn, nhưng người có mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài ít có khả năng bị nhiễm virus hơn. Cần khám sức khỏe khi nghi ngờ có nguy cơ nhiễm HPV.
- Đối với nữ giới từ 21 tuổi trở lên nên sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ hàng năm, để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
- Tiêm phòng vắc xin HPV cho mọi đối tượng từ 11-12 tuổi trở lên, kể cả người đã quan hệ tình dục hay đã nhiễm virus. Người sau 26 tuổi nên cân nhắc lợi ích - ưu nhược điểm.
Tags:ung thư cổ tử cung
virus HP
nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Tin cùng chuyên mục