11/03/2022 09:53

Phương Tây khó cô lập Nga

Phương Tây cho rằng Nga sẽ bị cô lập sau hàng loạt biện pháp trừng phạt, nhưng nhiều quốc gia khác dường như vẫn muốn duy trì quan hệ với Moskva.

Khi lực lượng Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại các thành phố Ukraine, giới lãnh đạo Mỹ và các nước châu Âu cùng nhau áp hàng loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Phương Tây dường như tin rằng cả thế giới sẽ cùng chống lại Moskva, theo Anthony Faiola và Lesley Wroughton, hai bình luận viên của Washington Post.

Chuỗi cửa hàng McDonald's đã bị đình chỉ hoạt động ở Nga. Mỹ hôm 8/3 tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga, bước đi mới sau nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào giới lãnh đạo và nền kinh tế nước này.

Nga hôm 5/3 chỉ trích phương Tây hành xử như "kẻ cướp" khi cắt các mối quan hệ kinh tế. Điện Kremlin hôm 10/3 thừa nhận kinh tế Nga đang chịu "cú sốc" và hậu quả tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng Moskva sẽ áp dụng biện pháp giảm nhẹ thiệt hại. Nga nhiều lần nhấn mạnh nền kinh tế sẽ thích ứng với tình hình mới và lệnh trừng phạt không khiến họ thay đổi lập trường về Ukraine.

Phương Tây khó cô lập Nga

Từ trái qua: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Osaka, Nhật Bản năm 2019. Ảnh: AP.

Phương Tây cho rằng ông Putin và nước Nga đang bị "cô lập", nhưng bình luận viên Faiola và Wroughton cho rằng thực tế không hoàn toàn như vậy.

141/193 thành viên Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết không mang tính ràng buộc, lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng các nước còn lại bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống. "Có cảm giác rằng mức độ hỗ trợ từ nhiều quốc gia ngoài phương Tây cho nghị quyết này là khá mỏng", Richard Gowan, giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế Liên Hợp Quốc, nói.

Nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có một số nước lớn ở Nam Bán cầu, như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, đã bỏ phiếu trắng với nghị quyết lên án Nga, trong khi Bắc Kinh công khai ủng hộ Moskva.

Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, cũng đang hành động thận trọng, khi đóng cửa eo biển Bosporus và Dardanelles với tất cả tàu chiến, không chỉ riêng tàu hải quân Nga.

"Chúng ta không thể từ bỏ Ukraine hay Nga", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói.

Truyền thông và dư luận Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lặp lại quan điểm của Điện Kremlin rằng Ukraine là quốc gia theo chủ nghĩa phát xít mới, đồng thời hoài nghi sự chào đón nồng nhiệt của châu Âu với người tị nạn Ukraine, khi chứng kiến điều trái ngược từng xảy ra với người tị nạn Syria và Afghanistan.

Giống như người phương Tây thường thờ ơ với những cuộc xung đột xa xôi ở Trung Đông và châu Phi, một số nền kinh tế mới nổi cũng nhận thấy họ không cần phải sa vào tranh cãi liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và làm mất đi các lợi ích quốc gia hấp dẫn khi xa lánh Nga.

Những cuộc thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga ở nhóm nước đang phát triển cũng hạn chế và có chọn lọc. Thậm chí, một số người còn mô tả xung đột ở Ukraine thực chất là cuộc giằng co giữa Moskva và Washington, theo giới quan sát.

"Chúng ta nên giữ khoảng cách tương đương với cả hai cường quốc", nhà bình luận Fuat Bol viết trên tờ Hürriyet của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan điểm chia rẽ về Nga hiện tại giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi các nước tìm kiếm vị trí trung lập giữa các siêu cường. Nhưng hố sâu giữa phương Tây và các nước Nam Bán cầu vốn đã trở nên rộng hơn trong đại dịch và kỷ nguyên biến đổi khí hậu, khi các quốc gia đang phát triển ngày càng tỏ ra phẫn nộ với những quốc gia phương Tây giàu có bị coi là hành xử "ích kỷ".

"Ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng khẳng định vị thế độc lập của mình, dù thực tế họ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với phương Tây, hay thậm chí cần sự hỗ trợ của phương Tây", Chris Landsberg, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Johannesburg, nói. "Họ sẵn sàng gửi thông điệp rằng họ không thích ý tưởng buộc phải chọn phe".

Tuy nhiên, việc các nước không lên án Nga không đồng nghĩa họ sẽ quay sang hỗ trợ ông Putin, theo giới quan sát. Tuần trước, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc dẫn dắt đã đình chỉ tất cả các hoạt động kinh doanh với Nga. Ngân hàng Phát triển mới, do khối BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi thành lập, cũng ngừng các giao dịch mới với Nga.

Đặc biệt, mức độ ủng hộ của Trung Quốc với ông Putin vẫn còn là một ẩn số, dù Chủ tịch Tập Cận Bình vừa gặp Tổng thống Nga tại Bắc Kinh gần 3 tuần trước xung đột Ukraine. Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dẫn đến tình cảnh mà Trung Quốc không mong muốn, như nền kinh tế toàn cầu suy thoái và Nhật Bản trở nên quyết đoán hơn, khiến ông Tập có thể giảm mức độ ủng hộ một trật tự thế giới với Moskva.

Ấn Độ cũng từ chối ủng hộ nghị quyết của LHQ về lên án chiến dịch quân sự Nga. New Delhi xem Moskva là đối trọng với Bắc Kinh và hơn 60% vũ khí của Ấn Độ đến từ Nga. Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 trị giá 5,43 tỷ USD với Nga vào năm 2018.

"Nga là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới", Dan Runde, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói.

Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết dười thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã phản ứng với cuộc xung đột dựa trên "chủ nghĩa hiện thực của một cường quốc đang trỗi dậy, không muốn bị mắc kẹt giữa Nga và NATO".

Nam Phi là một trong 17 quốc gia bỏ phiếu trắng với nghị quyết của LHQ và duy trì mối quan hệ lịch sử với Nga. Hai trong số các tổng thống Nam Phi là Thabo Mbeki và Jacob Zuma từng được huấn luyện quân sự ở Liên Xô.

Đầu tuần này, ông Zuma đã gọi Tổng thống Putin là "người đàn ông của hòa bình". "Nga mãi mãi là bạn của chúng tôi", Lindiwe Zulu, bộ trưởng Phát triển Xã hội Nam Phi, nói. "Chúng tôi sẽ không lên án mối quan hệ mà chúng tôi luôn gìn giữ".

Tin cùng chuyên mục