18/09/2022 10:04

Quan hệ với bạn gái quen qua mạng, chàng trai bị bệnh lậu ở mắt

Bệnh nhân cho biết khởi đầu anh thấy mắt phải bị đỏ, cộm mắt khi chớp. Sau đó, mắt phải sưng nề, phù mi và hốc mắt, hạn chế mở mắt kèm tăng tiết dịch mủ vàng xanh liên tục, số lượng nhiều. Bị đau rát nhiều, khó chịu nên anh đi khám tại phòng khám tư và được chẩn đoán bị viêm kết mạc mắt.

Điều trị suốt 7 ngày nhưng không thấy thuyên giảm, anh đến khám lại tại Bệnh viện mắt Trung Ương, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Da liễu Trung ương theo dõi tình trạng lậu ở mắt.

Trước khi xuất hiện tổn thương mắt 2 ngày, bệnh nhân có quan hệ tình dục với bạn gái quen qua mạng, có sử dụng bao cao su.

Quan hệ với bạn gái quen qua mạng, chàng trai bị bệnh lậu ở mắt

Bệnh lậu ở mắt thường hiếm gặp, dễ chẩn đoán nhầm. Ảnh minh họa: H.M.

BS Nguyễn Thị Kim Cúc, khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết bệnh nhân vào viện với biểu hiện sưng nề mi mắt và hốc mắt phải, chảy dịch mủ vàng xanh liên tục số lượng nhiều, giác mạc mắt phải đục, kết mạc mắt phải đỏ. Bệnh nhân bị đau rát nhiều, khó mở mắt phải, nhìn mờ. Bệnh diễn biến được 10 ngày.

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lậu ở mắt, được nhập viện điều trị bằng kháng sinh, kết hợp chăm sóc tích cực tại chỗ. Sau một ngày, bệnh nhân đáp ứng tốt, mắt phải bớt sưng nề và giảm chảy dịch mủ rõ rệt.

Theo bác sĩ lậu là một bệnh nhiễm khuẩn do song cầu Gram (-) Neisseria Gonorrhoeae gây ra. Bệnh thường lây trực tiếp qua quan hệ tình dục không an toàn đường âm đạo, hậu môn và sinh dục-miệng, ngoài ra có thể được truyền sang các cơ quan khác như mắt khi tiếp xúc với vi khuẩn lậu.

Vi khuẩn lậu gây bệnh tại các vị trí niêm mạc như niệu đạo, âm đạo, cổ tử cung trực tràng, họng - miệng, bao hoạt dịch và mắt. Thời gian ủ bệnh tương đối ngắn, dao động 2-5 ngày. Bệnh có thể lây khi người bệnh đang trong thời gian ủ bệnh, chưa có triệu chứng. Đây chính là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng.

Bệnh lậu ở mắt xảy ra ở cả nam và nữ với mọi lứa tuổi, tập trung chủ yếu ở trẻ sơ sinh trong khi ở người lớn thường hiếm gặp. Vì thế, việc chẩn đoán lâm sàng có thể bị trì hoãn và dễ bỏ sót. Như trường hợp trên, do chẩn đoán nhầm nên điều trị muộn đã có biến chứng nhưng rất may không bị thủng giác mạc.

Lậu mắt là một nhiễm trùng nặng nề, có thể gây ra viêm loét giác mạc nhanh chóng dẫn đến biến chứng mất thị lực. Vì vậy việc phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

Bệnh lậu ở mắt có thể chia thành hai hình thái lâm sàng riêng biệt: lậu mắt ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ mắc trên thế giới dưới 1% và lậu mắt ở người lớn có quan hệ tình dục với tỷ lệ lưu hành tại Hoa Kỳ khoảng 146 ca trên 100.000 dân.

Cách lây truyền hết sức đa dạng, trẻ sơ sinh bị bệnh khi được sinh thường qua ngả âm đạo ở bà mẹ bị bệnh lậuthời kỳ mang thai, ngay cả khi trẻ được sinh mổ trẻ vẫn có nguy cơ bị lây bệnh.

Với người lớn, sự lây truyền chủ yếu thông qua quan hệ tình dục, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch cơ thể có chứa vi khuẩn lậu.

Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện khoảng 2-5 ngày sau nhiễm. Một số trường hợp có thể xuất hiện sớm sau 1 ngày hoặc muộn tới 14 ngày với các biểu hiện:

- Mắt đỏ, sung huyết.

- Sưng nề mi mắt và tổ chức quanh mắt.

- Khó mở mắt.

- Chảy dịch mủ trắng, vàng hoặc xanh lá cây số lượng nhiều, liên tục tạo thành một lớp vảy trên mắt.

- Đau, rát nhiều.

- Giảm độ nhạy cảm với ánh sáng.

- Ngoài ra, với nhóm đối tượng người lớn có quan hệ tình dục, có thể xuất hiện thêm các triệu chứng ở cơ quan khác ngoài mắt.

Tin cùng chuyên mục